Bối cảnh Sự cố tàu lặn Titan 2023

OceanGate

OceanGate là một công ty tư nhân được sáng lập bởi Stockton Rush và một đồng nghiệp kinh doanh vào năm 2009. Từ năm 2010, công ty đã tổ chức nhiều chuyến tàu lặn chở người ngoài khơi California, Vịnh MéxicoĐại Tây Dương.[13] Công ty đặt trụ sở tại Everett, Washington.[14]

Stockton Rush nhận thấy rằng tổ chức quan sát các tàn tích của tàu dưới biển nhận được nhiều sự chú ý từ truyền thông nên vào năm 2016, công ty lần đầu tiên chở hành khách đi thám hiểm xác tàu SS Andrea Doria nhờ tận dụng tàu lặn Cyclops 1 để quan sát. Năm 2019, Rush phát biểu trong tạp chí Smithsonian: "Chỉ có một vụ đắm tàu duy nhất mà ai cũng biết ... Nếu bạn hỏi mọi người kể tên một vài thứ ở dưới biển, họ sẽ nói cá mập, cá voi, Titanic".[13]

Titanic

Bài chi tiết: Titanic

Titanic là chiếc tàu vượt đại dương chở khách nổi tiếng do vụ va chạm với tảng băng trôi vào ngày 15 tháng 4 năm 1912 và bị đắm ở phía Bắc vùng biển Đại Tây Dương. Năm 1915, tàn tích của tàu được phát hiện cách đảo Newfoundland 400 hải lí (740 km),[15] nằm ở đáy đại dương sâu 3.810 m (12.500 ft).[16] Titanic đã trở thành bối cảnh và đề tài cho rất nhiều tác phẩm văn học, hội họa và điện ảnh.

Tàu lặn Titan

Cyclops 1, tiền thân của tàu lặn Titan, sản xuất bởi OceanGate. Tàu lặn Titan chỉ có một cửa kính dày 380 mm (15 inch).

Titan là một chiếc tàu lặn 5 chỗ vận hành và quản lý bởi tập đoàn OceanGate. Chiếc tàu lặn dài 6,7 m (22 ft), nặng 10.432 kg (23.000 lb) và được lắp ráp bằng sợi carbontitan.[17] Buồng áp suất của tàu gồm khoang bán cầu, hai vòng nối bằng titan, và một khoang hình trụ bằng sợi carbon có đường kính bên trong 142 cm (56 inch) và dài 2,4 m (7,9 ft).[18] Một trong hai khoang bán cầu có đầu mút được lắp một cửa sổ kính acrylic dày 380 mm (15 inch).[19] Năm 2020, Rush tuyên bố phần vỏ tàu bị xuống cấp và chỉ lặn được tối đa 3.000 m (9.800 ft) do vật liệu kém bền. Năm 2020 và 2021, tàu lặn Titan được sửa chửa và cải tạo lại.[20] Rush kể với tổng biên tập Travel Weekly rằng sợi carbon cho vỏ tàu được mua lại với giá rẻ từ Boeing do vật liệu này quá cũ để lắp ráp máy bay của công ti. Boeing khẳng định rằng công ti không ghi nhận bất kì giao dịch mua bán nào với Rush hay OceanGate

Tàu lặn có thể di chuyển với tốc độ lên đến 3 nút (5,6 km/h) nhờ bốn động cơ điện, chia làm hai động cơ đi ngang và đi dọc.[21] Tàu được điều khiển bằng một chiếc tay cầm chơi game PC không dây Logitech G F710 có cần điều khiển được điều chỉnh. Việc sử dụng điều khiển trò chơi có sẵn trên thị trường là không quá xa lạ khi sử dụng trong những tàu ngầm cần một hệ thống dự phòng ngoài vô lăng điều khiển.[22][23][24]

Tay cầm chơi game không dây Logitech F710 chưa được điều chỉnh sử dụng trong Titan.

Cho đến năm 2023, OceanGate khẳng định trên website chính thức rằng Titan được "thiết kế và lắp ráp bởi tập đoàn OceanGate hợp tác với các chuyên gia tại NASA, BoeingĐại học Washington". Một bản thu nhỏ 1⁄3 của tàu Cyclops 2 được lắp ráp và thử nghiệm tại Phòng thí nghiệm Vật lí Ứng dụng (APL) ở đại học Washington; bản thu nhỏ này chịu được áp suất lên đến 4.285 psi (29,54 MPa; 291,6 atm), tương đương với độ sâu 3.000 m (9.800 ft) dưới nước.[25] Sau sự cố mất tích tàu lặn Titan năm 2023, Đại học Washington khẳng định rằng APL không có liên quan đến quá trình "thiết kế, lắp ráp hay thử nghiệm tàu lặn Titan". Người phát ngôn từ Boeing cũng tuyên bố Boeing "không phải là đối tác phát triển Titan và không thiết kế hay lắp ráp chiếc tàu". Người phát ngôn từ NASA phát biểu rằng Trung tâm Bay Không gian Marshall của NASA có kí hợp đồng thỏa thuận Đạo luật Không gian với OceanGate, nhưng "không thực hiện công tác thử nghiệm hay lắp ráp bằng nhân lực hay máy móc làm việc của cơ sở".[26]

Theo OceanGate, tàu lặn có hệ thống giám sát để liên tục theo dõi độ bền của vỏ tàu.[17] Tàu lặn có đầy đủ dụng cụ cần thiết để duy trì sự sống cho năm người trong suốt 96 giờ.[17] Tàu lặn không có hệ thống định vị lắp đặt trên tàu, thay vào đó, tàu hỗ trợ giám sát vị trí của Titan so với mục tiêu gửi tín hiệu cho tàu lặn để cho biết khoảng cách và hướng cần đi.[27]

Theo OceanGate, tàu lặn Titan có bảy hệ thống dự phòng để đưa tàu lặn trở lên mặt nước trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm các vật dằn tàu có thể thả được, một quả bong bóng và động cơ điện. Một số hệ thống dự phòng còn được thiết kế để hoạt động ngay cả khi tàu lặn không được điều khiển trong một thời gian, ví dụ như các túi cát móc vào tàu sẽ tan hết và được thả ra sau một thời gian nhất định trong nước, cho phép tàu lặn nổi lên.[28][29] Một nhà đầu tư của OceanGate nói rằng nếu tàu lặn không tự động nổi lên sau một khoảng thời gian, những người bên trong tàu lặn có thể thả rơi vật dằn tàu bằng cách nghiêng tàu qua lại, hoặc sử dụng máy bơm khí nén để giảm bớt trọng lượng.[30]

Chuyến thám hiểm Titanic

Tàu lặn Titan thực hiện chuyến thám hiểm Titanic đầu tiên vào tháng 7 năm 2021.[31] OceanGate tổng cộng đã thực hiện sáu chuyến vào năm 2021 và bảy chuyến năm 2022.[32]

Thông thường, mỗi chuyến đi sẽ có một tàu trưởng, ba hành khách và một hướng dẫn viên đi kèm trên tàu lặn.[3] Sau khi tất cả mọi người đều đã vào trong tàu lặn, cửa tàu sẽ được đóng chặt lại và chỉ có thể mở được từ bên ngoài.[33] Chuyến tàu lặn từ mặt nước xuống xác tàu Titanic mất khoảng ba giờ,[34] và cả chuyến đi mất khoảng tám giờ.[3] Trong suốt chuyến đi, tàu lặn cần phải phát một tín hiệu an toàn mỗi 15 phút cho đội giám sát trên mặt biển.[15] Những người trên tàu và đội giám sát cũng có thể liên lạc với nhau qua tin nhắn.[35]

Giá tiền cho một chuyến thám hiểm tám ngày thăm xác tàu Titanic là 250.000 đô-la,[3][36][37] và hành khách trong chuyến đi được OceanGate ví như các "chuyên gia sứ mệnh".[38]

OceanGate dự tính sẽ thực hiện nhiều chuyến thám hiểm Titanic vào năm 2023, nhưng do thời tiết xấu ở Newfoundland nên công ty chỉ mới tổ chức một chuyến duy nhất vào tháng 6 năm 2023 (thời điểm xảy ra sự cố).[3][34]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sự cố tàu lặn Titan 2023 https://www.wsj.com/articles/u-s-navy-sends-salvag... https://www.npr.org/2023/06/20/1183273102/titan-mi... https://web.archive.org/web/20230621065713/https:/... https://www.bbc.com/news/world-us-canada-65953872 https://web.archive.org/web/20230619134256/https:/... https://edition.cnn.com/americas/live-news/titanic... https://www.bbc.co.uk/news/live/world-us-canada-65... https://web.archive.org/web/20230622094614/https:/... https://www.nytimes.com/live/2023/06/22/us/titanic... https://www.wsj.com/articles/u-s-navy-detected-tit...